Tổng quan bài toán giá thành

Phạm vi bài toán

  • Xét theo đối tượng tính giá thành:
    • Tính giá thành theo sản phẩm.
    • Tính giá thành theo phân xưởng – sản phẩm.
    • Tính giá thành theo lệnh sản xuất – sản phẩm.
    • Tính giá thành theo phân xưởng – lệnh sản xuất – sản phẩm.
  • Xét theo qui trình sản xuất:
    • Bài toán giá thành chỉ gồm một công đoạn.
    • Bài toán giá thành gồm nhiều công đoạn (có tính giá thành BTP ở từng công đoạn).

Giải thích một số khái niệm và trường thông tin

  • Đối tượng tính giá thành: là sản phẩm được doanh nghiệp tạo ra cần tính tổng giá thành và giá thành đơn vị.
    • Sản phẩm: mỗi sản phẩm sẽ lên một thẻ giá thành.
    • Phân xưởng – Sản phẩm: cùng một sản phẩm nhưng thuộc các phân xưởng khác nhau sẽ lên các thẻ giá thành khác nhau.
    • Lệnh sản xuất – Sản phẩm: cùng một sản phẩm nhưng thuộc các lệnh sản xuất khác nhau sẽ lên các thẻ giá thành khác nhau.
    • Phân xưởng – Lệnh sản xuất – Sản phẩm: cùng một sản phẩm nhưng thuộc các lệnh sản xuất khác nhau, hoặc các phân xưởng khác nhau sẽ lên các thẻ giá thành khác nhau.
  • Bộ phận: dùng để tập hợp chi phí, được phân loại thành bộ phận trực tiếp và bộ phận gián tiếp.
    • Bộ phận trực tiếp: là bộ phận sản xuất cấu thành trong đối tượng tính giá thành. Bộ phận này có thể là phân xưởng, công đoạn hoặc nhóm sản phẩm.
    • Bộ phận gián tiếp: là bộ phận chi phí không liên quan đến đối tượng tính giá thành. Bộ phận này chỉ dùng để tập hợp các chi phí chung đặc thù khác (ngoài Bộ phận trực tiếp).
  • Lệnh sản xuất: dùng để tập hợp chi phí, có liên quan trực tiếp đến đối tương tính giá thành. Trong một số trường hợp cần tính giá thành theo đơn hàng thì lệnh sản xuất có thể được khai báo như là một đơn hàng để phục vụ tính giá thành.
  • Mã yếu tố chi phí: các khoản mục chi phí cấu thành trong giá thành sản phẩm, bao gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung. Các chi phí này có thể được chi tiết hoá ra thành các loại chi phí cụ thể để theo dõi, tính toán và phân tích giá thành.
  • Loại yếu tố chi phí: các yếu tố chi phí được phân loại cho mục đích đánh giá tỷ lệ hoàn thành đối với sản phẩm dở dang cuối kỳ.
    • Ví dụ:

1. Các yếu tố chi phí nguyên vật liệu xuất đủ cho sản xuất sản phẩm ngay từ đầu quá trình sản xuất sẽ có tỷ lệ hoàn thành là 100% khi đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ thì các yếu tố này sẽ được phân thành 1 loại riêng.

2. Các yếu tố chi phí nhân công, sản xuất chung cùng một tỷ lệ hoàn thành (50%, 70%,…) khi đánh giá sản phẩm dở dang cuối kỳ thì các yếu tố này sẽ được phân thành 1 loại riêng.

3. Các yếu tố chi phí khác không có chi phí dở dang cuối kỳ (tức tỷ lệ hoàn thành 0%) thì sẽ được phân thành 1 loại riêng.

    • Lưu ý:
    • Các loại yếu tố chi phí có tỷ lệ hoàn thành khác nhau sẽ dẫn đến số lượng sản phẩm dở dang cuối kỳ qui đổi về sản phẩm hoàn thành cũng khác nhau nên giá trị truyền vào công thức tính chi phí dở dang cuối kỳ cho từng yếu tố chi phí cũng khác nhau.
  • Nhóm yếu tố chi phí: dùng để phân nhóm các yếu tố chi phí khi lên các báo cáo giá thành. Thông tin này không tham gia vào quá trình tính toán giá thành.

Phân loại các kiểu tập hợp chi phí

  • Tập hợp trực tiếp: các chi phí phát sinh chỉ rõ được cho đối tượng tính giá thành.
    • Đối tượng tính giá thành là “Sản phẩm”: khi nhập chi phí phát sinh, người dùng phải chỉ rõ cho mã sản phẩm cụ thể.
    • Đối tượng tính giá thành là “Phân xưởng – Sản phẩm”: khi nhập chi phí phát sinh, người dùng phải chỉ rõ cho mã phân xưởng, mã sản phẩm cụ thể.
    • Tương tự cho các đối tượng tính giá thành khác.
  • Tập hợp gián tiếp: các chi phí phát sinh không chỉ rõ được cho đối tượng tính giá thành (tức không chỉ rõ được cho sản phẩm cụ thể mà chỉ tập hợp chung). Bao gồm các đối tượng tập hợp chi phí sau:
    • Tập hợp theo bộ phận trực tiếp (phân xưởng, công đoạn, nhóm sản phẩm): cuối kỳ phân bổ cho các sản phẩm thuộc bộ phận trực tiếp liên quan.
    • Tập hợp theo lệnh sản xuất (đơn hàng): cuối kỳ phân bổ cho các sản phẩm thuộc lệnh sản xuất liên quan.
    • Tập hợp theo bộ phận trực tiếp – lệnh sản xuất: cuối kỳ phân bổ cho các sản phẩm thuộc bộ phận trực tiếp – lệnh sản xuất liên quan.
    • Tập hợp theo bộ phận gián tiếp: cuối kỳ phân bổ cho các sản phẩm do người dùng khai báo (vì chương trình sẽ không tự động nhận diện được các sản phẩm liên quan cần nhận phân bổ).
    •  Ví dụ:

1. Bộ phận phí gián tiếp 01: chi phí tập hợp chung, cuối kỳ phân bổ cho tất cả các sản phẩm thuộc phân xưởng 1, phân xưởng 3.

2. Bộ phận phí gián tiếp 02: chi phí tập hợp chung, cuối kỳ phân bổ cho tất cả các sản phẩm thuộc phân xưởng 1 và chỉ sản phẩm 01 thuộc phân xưởng 2.

3. Các trường hợp khác.

Phân loại các kiểu phân bổ chi phí

  • Phân bổ chi phí theo định mức tiêu hao nguyên vật liệu:
    • Điều kiện: chi phí phải được tập hợp chi tiết theo từng mã nguyên vật liệu.
    • Căn cứ phân bổ: dựa vào Định mức tiêu hao NVL và Số lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ ứng với loại yếu tố chi phí (YTCP) đang cần phân bổ.
    • Công thức phân bổ: chi tiết theo từng đối tượng tập hợp chi phí.

Chi phí NVLx của SPy = (Tổng chi phí NVLx cần phân bổ / Tổng hệ số NVLx của các SP nhận phân bổ) x Hệ số NVLx của SPy

    • Trong đó:

1. Hệ số NVLx của SPy = Số lượng sản phẩm sản xuất SPy x Định mức tiêu hao NVLx (tính trên 1 đơn vị SPy).

2. Số lượng sản phẩm sản xuất SPy = Số lượng SPy hoàn thành nhập kho + Số lượng SPy dở dang qui đổi cuối kỳ – Số lượng SPy dở dang qui đổi đầu kỳ.

3. Số lượng SPy dở dang qui đổi cuối kỳ (qui đổi về SP hoàn thành) = Số lượng SPy dở dang cuối kỳ x Tỷ lệ % hoàn thành (ứng với loại YTCP là nguyên vật liệu).

    • Ví dụ: cách xác định “Số lượng sản phẩm sản xuất” trong kỳ, chi tiết theo từng loại YTCP.

Thông tin SPy như sau: số lượng SPDD đầu kỳ = 100 SP, số lượng SPHT nhập kho trong kỳ = 500 SP, số lượng SPDD kiểm kê cuối kỳ = 200 SP.

Tỷ lệ % hoàn thành đối với loại YTCP NVL (khi đánh giá): 100%.

Tỷ lệ % hoàn thành đối với loại YTCP nhân công: 50%.

Tỷ lệ % hoàn thành đối với loại YTCP sản xuất chung: 0% (tức CPSXC không có dở dang).

Giả sử tỷ lệ % hoàn thành đánh giá cuối kỳ trước và cuối kỳ này là giống nhau.

Kết quả:

Loại YTCP Số lượng SPDD qui đổi đầu kỳ Số lượng SP sản xuất trong kỳ Số lượng SPHT nhập kho trong kỳ Số lượng SPDD qui đổi cuối kỳ
CP NVL 100 600 500 200
  (=100×100%) (=500+200-100)   (=200×100%)
CP nhân công 50 550 500 100
  (=100×50%) (=500+100-500)   (=200×50%)
CP sản xuất chung 0 500 500 0
  (=100×0%) (=500+0-0)   (=100×0%)
    • Như vậy: số lượng sản phẩm sản xuất tham gia trong công thức phân bổ theo tiêu thức định mức tiêu hao NVL sẽ là số liệu ở dòng đầu tiên (ứng với loại YTCP là CP NVL).
  • Phân bổ chi phí theo hệ số đơn vị:
    • Căn cứ phân bổ: dựa vào Hệ số đơn vị sản phẩm và Số lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ ứng với loại YTCP đang cần phân bổ.
    • Hệ số đơn vị sản phẩm có thể là: đơn giá hoặc định mức chi phí nhân công, CPSXC,… tính trên 1 đơn vị sản phẩm.
    • Công thức phân bổ: chi tiết theo từng đối tượng tập hợp chi phí.

YTCPx của SPy = (Tổng YTCPx cần phân bổ / Tổng hệ số của các SP nhận phân bổ) x Hệ số SPy

    • Trong đó:

Hệ số SPy = Số lượng sản phẩm sản xuất SPy x Hệ số đơn vị SPy.

Lưu ý: số lượng sản phẩm sản xuất lấy đúng theo loại YTCP đang cần phân bổ.

  • Phân bổ chi phí theo số lượng sản phẩm sản xuất:
    • Căn cứ phân bổ: dựa vào Số lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ ứng với loại YTCP đang cần phân bổ.
    • Công thức phân bổ: chi tiết theo từng đối tượng tập hợp chi phí.
    •  YTCPx của SPy = (Tổng YTCPx cần phân bổ / Tổng hệ số của các SP nhận phân bổ) x Hệ số SPy
    • Trong đó:

Hệ số SPy = Số lượng sản phẩm sản xuất SPy;

Lưu ý: số lượng sản phẩm sản xuất lấy đúng theo loại YTCP đang cần phân bổ.

  • Phân bổ chi phí dựa vào các YTCP khác:
    • Căn cứ phân bổ: tuỳ chọn dựa vào chi phí phát sinh (CPPS) hoặc chi phí trong thành phẩm (tổng giá thành) của các YTCP khác làm tiêu chí phân bổ.
    • Công thức phân bổ: chi tiết theo từng đối tượng tập hợp chi phí

YTCPx của SPy = (Tổng YTCPx cần phân bổ / Tổng hệ số của các SP nhận phân bổ) x Hệ số SPy

    • Trong đó:

Hệ số SPy = CP phát sinh hoặc CP trong thành phẩm (tổng giá thành) của các YTCP khác thuộc SPy;

Lưu ý: các YTCP dùng làm căn cứ phân bổ phải được tính toán trước để có số liệu làm hệ số phân bổ cho YTCP sử dụng tiêu thức phân bổ này.

    • Ví dụ:

Chi phí nhân công phân bổ dựa vào chi phí NVL.

Chi phí sản xuất chung phân bổ dựa vào chi phí nhân công.

Phương pháp xác định chi phí giảm trừ

  • Đối với các chi phí giảm trừ phát sinh ngay trong kỳ: được giảm trừ ngay ở bước tập hợp chi phí phát sinh trong kỳ, chi tiết theo từng YTCP.
  • Đối với các chi phí giảm trừ thuộc các kỳ trước (đang treo ở số dư tài khoản chi phí sản xuất dở dang), cần giảm trừ trong kỳ này: tập hợp riêng và phân bổ giảm trừ cho các sản phẩm (xem như một YTCP giảm trừ riêng).

Phương pháp xác định chi phí dở dang cuối kỳ

  • Chi phí dở dang cuối kỳ được xác định theo phương pháp ước lượng sản phẩm hoàn thành tương đương, chi tiết cho từng YTCP.
  • Căn cứ xác định: dựa vào các thông tin CPDD qui đổi đầu kỳ, CP phát sinh trong kỳ, số lượng SPHT nhập kho, số lượng SPDD qui đổi cuối kỳ.
  • Công thức:

CPDD cuối kỳ của YTCPx, SPy = [(CPDD đầu kỳ YTCPx, SPy + CPPS trong kỳ YTCPx, SPy) / (Số lượng SPHT nhập kho SPy + Số lượng SPDD qui đổi cuối kỳ SPy)] x Số lượng SPDD qui đổi cuối kỳ SPy

    • Trong đó:

Số lượng SPDD qui đổi cuối kỳ SPy = Số lượng SPDD kiểm kê cuối kỳ SPy x Tỷ lệ % hoàn thành SPy (ứng với loại YTCP đang xác định).

Xác định giá thành sản phẩm

  • Giá thành sản phẩm được xác định chi tiết theo từng YTCP.
  • Công thức:

Giá thành YTCPx, SPy = CPDD đầu kỳ YTCPx, SPy + CPPS trong kỳ YTCPx, SPy – CPDD cuối kỳ YTCPx, SPyTổng giá thành SPy = Tổng giá thành của tất cả các YTCP thuộc SPyGiá thành đơn vị SPy = Tổng giá thành SPy / Số lượng SPy hoàn thành nhập kho

Một số giả định khác

  • Bài toán giá thành nhiều công đoạn (có tính giá thành BTP): BTP hoàn thành phải được nhập kho và xuất kho sử dụng cho các công đoạn sau.
  • Sản phẩm xuất tái chế (nếu có): phải áp theo giá xuất đích danh (nhầm tránh tình trạng tính giá thành lòng vòng).
  • Các mã BTP, TP tính giá thành phải khai báo “Loại vật tư” = 41 – BTP, 51 – TP (trong Danh mục hàng hoá, vật tư).
  • Phiếu nhập kho BTP, TP dùng Mã giao dịch = 4 – Nhập kho thành phẩm và phải chỉ rõ đối tượng tính giá thành (bộ phận trực tiếp, lệnh sản xuất).
  • Các phiếu xuất kho NVL, các phiếu chi phí khác phải chỉ rõ cho các đối tượng tập hợp chi phí (sản phẩm, bộ phận trực tiếp, bộ phận gián tiếp, lệnh sản xuất).
  • Cuối kỳ phải tính giá xuất kho NVL trước khi tính giá thành. Trường hợp tính giá thành nhiều công đoạn thì sau mỗi công đoạn tính xong, phải chạy tính giá xuất kho cho BTP xuất dùng ở công đoạn sau trước khi tính giá thành cho công đoạn sau.
  • Cho phép điều chỉnh kết quả giá thành sản phẩm tính được trước khi áp giá vào phiếu nhập kho BTP/TP (không khuyến nghị dùng tính năng này).
  • Kết chuyển chi phí ở các Tk 621, 622, 627 sang Tk 154 được thực hiện ở phân hệ kế toán tổng hợp (theo chứng từ gốc hạch toán) hoặc ở phân hệ giá thành sản phẩm (theo kết quả tập hợp và phân bổ chi phí tính được).

Lưu đồ nghiệp vụ tính giá thành sản phẩm trong hệ thống

  • Lưu đồ xử lý bài toán giá thành 1 công đoạn:

Luu do tinh gia thanh san xuat

  • Lưu đồ xử lý bài toán giá thành n công đoạn:

Luu do tinh gia thanh san xuat nhieu cong doan

Cập nhật vào 16 Tháng Mười Một, 2020

Bài viết này hữu ích chứ?

Bài viết liên quan

Tổng đài tư vấn
Bạn vẫn còn thắc mắc chưa được giải đáp? Hãy liên hệ với chúng tôi
LIÊN HỆ
0 Shares
Copy link
Powered by Social Snap